Nên cho trẻ ăn bổ sung như thế nào?
Nên cho trẻ ăn bổ sung như thế nào?
Nên cho trẻ ăn bổ sung như thế nào?
Nên cho trẻ ăn bổ sung như thế nào?
Nên cho trẻ ăn bổ sung như thế nào?
Nên cho trẻ ăn bổ sung như thế nào?
Kiến thức mẹ và bé
Nên cho trẻ ăn bổ sung như thế nào?
1. Nên cho trẻ ăn bổ sung như thế nào?
Khi trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên ngoài bú mẹ cần phải ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) vì thời kỳ này sữa mẹ không đủ đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng cho cơ thể trẻ ngày càng lớn lên.
Ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn sẽ làm cho trẻ chậm lớn và suy dinh dưỡng.
Cho trẻ ăn bổ sung đúng về thời gian sẽ giúp cho trẻ thích ứng dần với các thức ăn mới, các thực phẩm khác nhau, đồng thời giúp bộ máy tiêu hoá của trẻ hoàn thiện dần từ chế độ ăn lỏng đến đặc và cứng.
Bữa ăn của trẻ cần có đủ loại thực phẩm như gạo, đậu hoặc thịt, cá, trứng, rau xanh và dầu mỡ. Chế biến thức ăn cho trẻ phải phù hợp theo từng lứa tuổi. Các loại thức ăn cần xay thành bột, thái nhỏ, nghiền nát, nấu kỹ cho dễ tiêu.
2. Thức ăn bổ sung của trẻ như thế nào để có đủ chất dinh dưỡng?
Để có đủ chất dinh dưỡng, cần phải cho trẻ ăn đủ bốn nhóm thực phẩm sau:
- Chất đường bột (glucid): là nhóm thức ăn cung cấp nhiệt lượng chủ yếu cho cơ thể. Ở nước ta thường dùng gạo, ngô, khoai đựoc chế biến dưới dạng bột để sử dụng cho trẻ.
- Chất đạm (protid): là nguyên liệu để xây dựng và tái tạo các tổ chức trong cơ thể, là thành phần chính của các kháng thể để chống đỡ lại các bệnh nhiễm khuẩn, là thành phần của men và các nội tiết tốt rất quan trọng trong sự phát triển và duy trì các hoạt động chuyển hoá của cơ thể.
Thức ăn giàu đạm nguồn gốc động vật có giá trị dinh dưỡng cao như: trứng, sữa, thịt, cá, tôm, cua, lươn, nhộng, phủ tạng (gan).
Thức ăn giàu đạm nguồn gốc thực vật là đậu đỗ các loại (đậu đen, đậu xanh, đậu nành …), trong đó có đậu nành (đậu tương) có hàm lượng protid (đạm) và lipid (béo) cao nhất. Đây là loại thức ăn khi hỗn hợp với ngũ cốc sẽ trở thành những thức ăn giàu dinh dưỡng như thức ăn động vật, giá lại rẻ hơn.
- Chất béo (lipid): gồm dầu, bơ, mỡ … Dầu và mỡ bổ sung năng lượng cho bữa ăn của trẻ và làm cho thức ăn mền hơn, trẻ dễ nuốt. Ngoài mỡ động vật nên cho trẻ ăn dầu lạc, dầu vừng, dầu đậu nành … Vì dầu có các tỷ lệ acid béo không no cao hơn mỡ nên dễ hấp thu. Cho trẻ ăn dầu mỡ ngoài việc tăng năng lượng của khẩu phần còn giúp trẻ hấp thu các loại vitamin tan trong dầu như: vitamin A, E, D, K …
- Các vitamin, chất khoáng và chất xơ: rau xanh và quả chín là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng. Các loại rau có lá màu xanh thẫm như: rau ngót, rau muống, rau rền, mồng tơi, rau cải … và các loại quả chín: đu đủ, xoài, chuối, cam, quýt, hồng xiêm … đều chứa nhiều vitamin C, õ - caroten (tiền vitamin A) và sắt giúp trẻ phòng chống khô mắt và thiếu máu.
3. Nên cho trẻ ăn trứng như thế nào?
Trứng nói chung và trứng gà nói riêng là loại thực phẩm động vật giàu đạm và vitamin A rất cần thiết cho nhu cầu phát triển của trẻ. Mặc dù trứng là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, song mỗi tuần chỉ nên cho trẻ ăn 3 lần, mỗi lần tuỳ thuộc vào tháng tuổi của trẻ mà cho ăn từ 1/4 lòng đỏ đến 1/2 và đến 1 quả là đủ (trẻ lớn ăn cả lòng trắng). Trẻ nhỏ ăn trứng gà tốt hơn trứng vịt. Trứng gà quấy vào bột cháo cho trẻ nhỏ hoặc luộc, rán cho trẻ lớn ăn. Không nên cho trẻ ăn trứng sống vì khó tiêu và dễ bị nhiễm khuẩn, đồng thời cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều trứng trong một bữa. Ngoài ra, thay đổi món ăn, thay đổi các loại thực phẩm khác nhau sẽ giúp trẻ có cảm giác ăn ngon, đồng thời bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
4. Làm gì khi trẻ không chịu ăn thịt?
Trẻ không chịu ăn thịt hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ hoặc người nuôi trẻ. Điều quan trọng là phải tập cho trẻ ăn từ khi bắt đầu ăn bổ sung và luôn thay đổi cách chế biến phù hợp với khẩu vị của trẻ. Từ 6 tháng tuổi trở lên trẻ có thể ăn được thịt cả cái lẫn nước.
Đối với trẻ dưới 3 tuổi: băm hoặc xay, giã nhỏ thịt cho vào nấu bột hoặc cháo, nên thay đổi các loại thịt khác nhau để trẻ không bị chán ăn. Cho ăn từ ít một sau đó tăng dần lên, lúc đầu có thể nấu ít thịt với trứng, cá, tôm, sau đó tăng dần thịt và giảm các loại thực phẩm kia.
Đối với trẻ trên 3 tuổi: nên chế biến thức ăn dưới nhiều dạng khác nhau và phối hợp với các loại thực phẩm khác. Ví dụ: chế biến dưới dạng chả lá lốt, xương xông, chả nướng. Phối hợp với các loại thực phẩm khác như trúng đúc thịt, đậu phụ nhồi thịt rán hoặc nghiền nhỏ đậu phụ trộn lẫn thịt băm và trúng viên rán, thịt trộn lẫn với mực xay viên rán. Băm nhỏ thịt nấu súp, nấu canh cho trẻ ăn cùng với cơm.
5. Cho trẻ ăn rau như thế nào khi trẻ không chịu ăn?
Rau tuy không cung cấp năng lượng nhưng lại là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng quan trọng trong bữa ăn đồng thời là nguồn cung cấp chất xơ quan trọng giúp cho quá trình tiêu hoá thức ăn, phòng chống táo bón.
Hiện nay có nhiều trẻ không chịu ăn rau, nguyên nhân là do bố mẹ không chịu cho trẻ ăn rau vì quan niệm cho rằng rau không phải là chất bổ, hoặc cho trẻ ăn rau trẻ dễ bị tiêu chảy, ỉa phân xanh, hoặc chế biến phức tạp. Do đó cần tập cho trẻ ăn rau từ thời kỳ bắt đầu ăn bổ sung.
Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: cho trẻ ăn rau bằng cách thái, băm, giã nhỏ lá rau xanh cho lẫn vào bột hoặc cháo, tăng dần từ ít đến nhiều và thay đổi các loại rau trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.
Đối với trẻ lớn: từ 3 tuổi trở lên, lúc đầu có thể thái nhỏ, nấu canh dạng súp trộn lẫn vào cơm cho trẻ ăn, khi nấu cũng phải chọn loại rau để nấu từng loại canh thích hợp. Ví dụ: rau mồng tơi, rau đay nấu với cua, rau ngót nấu với thịt, rau cải nấu với cá rô, cá quả. Trẻ lớn hơn có thể ăn rau xào, rau luộc.
6. Cho trẻ ăn hoa quả thay rau có đuợc không?
Hoa quả đúng là rất quý, rất có ích cho cơ thể song nếu dùng hoa quả thay rau xanh là không hợp lý. Hàm lượng vitamin và các chất khoáng trong rau cao hơn trái cây, ví dụ hàm lượng beta - caroten, các loại vitamin và chất khoáng trong rau dền cao gấp 2-6 lần trong cam, chanh. Các chất sơ trong rau còn có tác dụng chống táo bón. Một số loại rau nhất là rau gia vị còn có tác dụng chữa trị nhiều bệnh và là nguồn kháng sinh thực vật rất quý như: hành, cà rốt, tỏi, tía tô…Như vậy rau có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ. Vì vậy bên cạnh việc cho con uống nước cam, nước chanh, ăn dưa hấu, hồng xiêm… các bà mẹ cần nhớ cho thêm rau xanh mỗi khi nấu cháo, bột, cơm cho con ăn. Càng cho trẻ ăn nhiều loại rau và hoa quả thì càng cung cấp đủ vitamin và chất khoáng cần thiết cho trẻ.
7. Cho trẻ ăn cơm sớm thì trẻ mau cứng cáp có phải không?
Theo quan niệm của các cụ trước kia nghĩ rằng cho con ăn cơm sớm thì trẻ mau cứng cáp, chính vì vậy nhiều chị em phụ nữ hiện nay vẫn cho con ăn cơm sớm. Đó là quan niệm sai lầm, không có cơ sở khoa học, mà ngược lại còn ảnh hưởng đến tiêu hoá, sức khoẻ và sự phát triển của trẻ.
Cho trẻ ăn cơm sớm, bộ máy tiêu hoá của trẻ chưa thích ứng kịp thời từ chế dộ ăn hoàn toàn là sữa mẹ sang chế độ ăn đặc và cứng nhất là khi chưa có răng, trẻ không nhai được rất khó tiêu hoá. Đặc biệt một số bà mẹ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn cho trẻ ăn cơm nhai, cơm mớm rất mất vệ sinh thậm chí còn là nguồn lây lan bệnh truyền nhiễm cho trẻ.
Đối với trẻ em thì chế độ ăn được tuần tự từ các thức ăn lỏng như sữa, chuyển sang bột loãng, bột đặc rồi cháo và cơm.
Nguyên tắc cho trẻ ăn cần thực hiện theo trình tự như sau:
- 6 tháng đầu hoàn toàn bú sữa mẹ.
- Từ 6 tháng trở lên cùng với sữa mẹ cho trẻ ăn bổ sung 1-2 bữa bột loãng, quấy đặc dần lên.
- Từ 7- 12 tháng: bú mẹ + 3-4 bữa bột đặc.
- Từ 13-18 tháng: bú mẹ + 4-5 bữa cháo.
- Từ 19-24 tháng: bú mẹ + 4-5 bữa cháo đặc (hoặc cơm nát).
8. Có nên cho trẻ ăn nhiều bánh kẹo không?
Trẻ em nào cũng thích ăn ngọt. Trong bánh kẹo có rất nhiều đường, đường dễ hấp thu vào máu. Cơ thể con người rất cần đường, trong máu lúc nào cũng có một lượng đường glucoza nhất định. Lượng đường trong máu hạ thấp sẽ gây cảm giác đói, rất muốn ăn nếu không ăn sẽ rất mệt mỏi. Tuy nhiên nếu ăn nhiều bánh kẹo nhất là trước bữa ăn thì có hại vì chất ngọt làm cho trẻ có cảm giác no nhanh nên chán ăn các thức ăn khác, gây mất cân bằng năng lượng. Trẻ có cảm giác no nhưng không đủ dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể và thường dẫn đến suy dinh dưỡng. Chất ngọt còn dễ tạo điều kiện làm hỏng răng của trẻ do ứ lại ở miệng và chuyển thành acid ăn mòn răng nhất là nếu sau khi ăn ngọt trẻ không uống nước xúc miệng (đặc biệt là trược khi đi ngủ). Bởi vậy các bà mẹ nên cho trẻ ăn bánh kẹo vào các bữa phụ.
9. Ở lứa tuổi nào trẻ có thể ăn được sữa chua?
Sữa bò dưới dạng sữa chua là loại sữa được lên men nhờ một loại vi khuẩn, thành phần của sữa chua cũng giống như sữa bình thường nhưng sữa chua còn có ưu điểm là chất đạm trong sữa dễ tiêu hoá hơn và chất đường Lactose trong sữa chuyển thành acid lactic nên bị rối loạn tiêu hóa. Sữa chua ở dạng đông, cứng và và lạnh. Sữa chua có thể chế biến từ sữa đậu nành. Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể ăn được sữa chua.
Khi cho trẻ ăn sữa chua cần chú ý: không nên cho trẻ ăn quá nhiều. Một ngày chỉ nên ăn tối đa là 500 ml. Về mùa đông vẫn có thể cho trẻ ăn được nhưng nên ngâm sữa chua vào nước nóng cho bớt lạnh.
10. Ăn uống của trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo như thế nào là hợp lý?
Lứa tuổi mẫu giáo là lứa tuổi trẻ có thể ăn được các món ăn giống như người lớn trừ các loại gia vị cay, chua.
Trẻ 4-5 tuổi nhu cầu năng lượng đã bằng 2/3 nhu cầu năng của người lớn lao động nhẹ. Nhưng số lượng mỗi bữa ít hơn người lớn rất nhiều. Vì vậy ở lứa tuổi mẫu giáo vẫn phảỉ cho trẻ ăn 4-5 bữa một ngày. Ngoài các bữa ăn chính cùng gia đình cho trẻ ăn thêm các bữa phụ bằng các thức ăn mềm như: súp, sữa, phở, bún…
Trong các bữa ăn hàng ngày ưu tiên cho trẻ ăn các loại thức ăn có nhiều đạm như: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua… Chú ý ăn thêm rau xanh và dầu mỡ.
Sau bữa ăn cho trẻ ăn thêm hoa quả chín. Tuyệt đối không cho trẻ ăn bánh kẹo, nước ngọt, quả ngọt trước bữa ăn, vì các thức ăn ngọt gây ức chế sự thèm ăn của trẻ.
Nếu trẻ ăn tại nhà trường thì gia đình cần cho trẻ ăn thêm các bữa như: bữa sáng trước khi đến trường, bữa chiều sau đón trẻ và bữa tối để đảm bảo cho trẻ ăn đủ số lượng trong ngày.
11. Có nên cho trẻ ăn mì chính không?
Mì chính (acid glutamic) là một loại acid amin nhưng không thuộc trong 8 acid amin cần thiết cho cơ thể. Nếu trong khẩu phần ăn hàng ngày có đủ lượng đạm từ thịt, cá, trứng, tôm, cua, vừng, lạc, đậu đỗ thì đã có đủ lượng acid glutamic.
Mì chính không chứa thành phần dinh dưỡng nào cần thiết đối với cơ thể mà chỉ là chất phụ gia điều vị gây cảm giác “Ngọt giả tạo”. Khi dùng mì chính quá nhiều dễ bị ngộ độc.
Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không nhất thiết phải cho ăn mì chính vì cơ quan bài tiết của trẻ chưa hoàn thiện nên khó thải được muối natri của acid glutamic ra khỏi cơ thể. Mặt khác cho ăn mì chính sẽ làm trẻ phụ thuộc vào vị ngọt giả tạo của mì chính, lười ăn các thức ăn khác cần thiết cho sự phát triển của cơ thể.
Do đó trong khi chế biến thức ăn cần tạo ra vị ngon ngọt thực sự của các thức ăn bằng các thực phẩm tự nhiên.